SÂU ĐỤC CÀNH CÀ PHÊ – CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG TRỊ HIỆU QUẢ

Sâu đục cành hại cà phê

Sâu đục cành cà phê là một trong những nỗi lo thường trực của nhà vườn. Chúng tấn công cây trồng và làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng vụ mùa. Để có được biện pháp phòng trừ sâu hại thích hợp, bà con cần phải hiểu rõ được đặc điểm gây hại của chúng trên từng đối tượng cây trồng. Trong bài viết này, Dr.Xanh sẽ cung cấp đến bà con những thông tin hữu ích về sâu đục cành hại cà phê, nhằm giúp bà con an tâm canh tác. 

Thông tin chung về sâu đục cành hại cà phê 

bên trong của cành cà phê bị sâu đục cành

Tên thường gọiMọt đục cành
Tên khoa họcXyleborus morstatti
Cây trồng thường bị gây hạiCà phê, bơ, ca cao, xoài,…

Đặc điểm của mọt đục cành cà phê 

Mọt đục cành thuộc họ bọ cánh cứng, chúng có vòng đời kéo dài từ 31 – 48 ngày. 

Trong đó:

  • Trứng: giai đoạn ủ trứng từ 5 đến 6 ngày, thường có màu trắng. Trứng mọt có kích thước từ 0,3mm đến 0,5 mm.
  • Sâu non: giai đoạn sâu non thường từ 12 – 15 ngày. Cơ thể sâu non có màu trắng kem, phần đầu màu nâu nhạt và không có chân, chiều dài thân khoảng 2mm.
  • Nhộng: có màu trắng kem, chiều dài gần bằng con trưởng thành. Thời gian của giai đoạn hóa nhộng chiếm 7 – 8 ngày trong vòng đời của mọt đục cành.  
  • Mọt trưởng thành có hình bầu dục dài khoảng 1,6mm – 2,0mm. Chúng thường sống được từ 16 đến 19 ngày. Mọt đục cành cái có màu đen bóng – cánh cứng. Con đực nhỏ hơn con cái, thường có màu nâu xám, dài và không có cánh. Trên thân của mọt thường có xuất hiện những sợi lông mềm mại có màu hung, có thể thấy rõ ràng khi nhìn qua kính lúp. 

Biểu hiện gây hại của sâu đục cành trên cây cà phê

mọt làm tổ bên trong cành cà phê

Mọt đục cành tập trung gây hại ở cành tơ, cành mới của cây cà phê. 

Mọt đục cành thường gây hại vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô. Chúng bắt đầu phá hoại vào khoảng tháng 9, tháng 10. Mọt thường bùng phát mạnh mẽ vào tháng 12 tới tháng 1. 

  • Mọt đục cành làm tổ và đẻ trứng ở giữa cành cà phê thông qua đục các lỗ nhỏ có kích thước khoảng 1-2 mm phía dưới cành. 
  • Nhộng mọt khi lột xác thành con trưởng thành sẽ tiếp tục bay qua cành khác hoặc cây khác để gây hại. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ rất dễ bùng phát thành dịch hại cà phê. 
  • Mọt đục cành làm tổn thương hệ thống mạch dẫn. Những phần cành bị mọt đục sẽ không được cung cấp nước và chất dinh dưỡng. Phần cành bị mọt tấn công sẽ nhanh chóng héo rũ và chết khô trên cây. Chẻ dọc phần cành này sẽ thấy bên trong ruột bị rỗng, có nhiều trứng hoặc ấu trùng mọt ở bên trong. 
  • Các tổn thương do mọt gây ra là điều kiện môi trường lý tưởng để các loại nấm xâm lấn và lây lan trên cây cà phê. 

Triệu chứng của cành cà phê bị mọt tấn công thường biểu hiện thông qua 3 giai đoạn, cụ thể như sau: 

  • Giai đoạn 1: Các vảy bao hình tam giác ở các đốt của cành cà phê đen lại. Sau đó, một vài cặp lá gần lỗ đục tiến về phía đầu cành bị rụng. 
  • Giai đoạn 2: Các cành bị mọt đục có hiện tượng héo, chỉ còn vài cặp lá ở phía đầu cành.
  • Giai đoạn 3: Cành chết khô. 

Biện pháp phòng trừ sâu đục cành hại cà phê

Biện pháp phòng

  • Cắt tỉa cây định kỳ: Thực hiện cắt tỉa cây định kỳ để loại bỏ những cành yếu, cành bệnh và những cành bị mọt tấn công. Việc này giúp giảm nguy cơ lây lan sang các cành khác và cây khác. 
  • Thường xuyên kiểm tra cây: Bà con nên thăm vườn định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu mọt đục cành cà phê. Từ đó có thể can thiệp để bảo vệ cây cà phê kịp thời. 
  • Hạn chế tối đa việc chặt cây hay bóc vỏ cành cây để giảm khả năng tấn công của mọt. 
  • Vệ sinh môi trường xung quanh cây: Loại bỏ các cây dại và các cành lá khô xung quanh vườn. Việc này nhằm giảm đi nơi ẩn náu của côn trùng.  
  • Xử lý cành bị nhiễm bệnh: Cắt bỏ sớm các cành bị mọt đục và tiêu hủy để loại bớt nguồn mọt, hạn chế sự lây lan sang các cành khác và cây khác. 
  • Sử dụng phân bón hợp lý: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây. Việc này nhằm tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cây, tránh các tác nhân gây hại. 

Biện pháp trừ

  • Sát trùng công nghệ cao: Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể áp dụng các phương pháp sát trùng công nghệ cao để tiêu diệt sâu đục cành. 
  • Sử dụng các loại thuốc hóa học có chứa các hoạt chất như: Abamectin, Emamectin benzoate,… Kết hợp với Dimethomorph hoặc Phosphorous acid,… để kiểm soát sâu đục cành cà phê. 

Cây cà phê rất dễ bị tấn công gây hại bởi sâu bệnh. Đặc biệt là các loại sâu đục cành gây tổn hại nghiêm trọng đến cây cà phê. Việc phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp, an toàn là việc cần thiết để bảo vệ cây cà phê khỏi sự tấn công của những loài sâu hại này. Dr.Xanh chúc bà con canh tác tốt và có vụ mùa bội thu nha! 

________________________________________________

Xem thêm:

> Giải pháp độc quyền từ Dr.Xanh

  • Địa chỉ: B19 Quốc Lộ 1A, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, Tp. Cần Thơ.
  • Email: drxanh.com@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *