KHẮC PHỤC DỨT ĐIỂM BỆNH VÀNG LÁ RỤNG TRÁI CÀ PHÊ

Bệnh vàng lá rụng trái cà phê - Dr.Xanh

Hiện nay trên thị trường giá cà phê đang được tăng nhanh. Ở các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang được nông dân ưa chuộng trồng nhiều. Tuy nhiên vào mùa mưa, khí hậu ẩm ướt là điều kiện phát sinh các loại sâu bệnh hại từ đất. Từ đó làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ của cây, gây nên hiện tượng bệnh vàng lá rụng trái cà phê thường xuyên.

Vậy nguyên nhân chính từ đâu xuất hiện bệnh vàng lá rụng trái cà phê? Cách khắc phục triệt để loại bệnh hại này như thế nào? Cùng Dr.Xanh tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH VÀNG LÁ RỤNG TRÁI CÀ PHÊ

Tên bệnh: Bệnh vàng lá rụng trái 

Cây trồng bị hại: Cà phê, sầu riêng…

Tác nhân: Thiếu dinh dưỡng, sâu hại, bệnh hại, nguyên nhân sinh lý, cách thức sử dụng phân hóa học… Thông tin chi tiết về nguyên nhân khiến cà phê bị vàng lá, rụng trái sẽ được giải thích ở phần sau.

bệnh vàng lá rụng trái cà phê
Vàng lá rụng trái cà phê là loại bệnh hại nguy hiểm cho cây trồng

NGUYÊN NHÂN BỆNH VÀNG LÁ RỤNG TRÁI CÀ PHÊ

Nguyên nhân dinh dưỡng

Cây cà phê sẽ bị hiện tượng vàng lá rụng trái khi thiếu một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu sau: Đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm, sắt, đồng, mangan, molypđen…

Nguyên nhân sâu hại

Sâu hại cà phê có rất nhiều loại. Tùy theo từng giống cây, từng thời điểm mùa vụ, điều kiện thời tiết khác nhau sẽ có những loại côn trùng gây hại khác nhau. Sau đây là một số loài sâu phổ biến gây hại, khiến cây cà phê bị vàng lá rụng trái.

  • Mọt đục quả cà phê: Mọt trưởng thành sẽ đục một lỗ tròn nhỏ cạnh núm hay giữa núm quả. Sau đó chúng sẽ chui vào trong nhân, đục phôi nhũ tạo thành các rãnh nhỏ để đẻ trứng. Lúc đầu, chúng chỉ phá hại một hạt nhân nhưng khi số lượng mọt tăng thì phá hoại luôn hạt nhân còn lại.
  • Rệp sáp hại cà phê: Loài rệp chỉ sống chủ yếu giữa các chùm quả, chích và hút cuống quả non, làm quả khô và rụng. Sau khi gây hại rệp sáp sẽ tạo muội đen. Quả bị rệp sáp tấn công nếu không bị rụng cũng khó phát triển.
  • Mọt đục cành cà phê: Các cành tơ hoặc chồi bị héo sẽ bị mọt đục lỗ. Từ đó lá sẽ chuyển sang màu nâu sẫm và chết khô cả cành.
  • Ấu trùng ve sầu: Chúng tạo nên các vết thương cơ giới bằng cách chích vào thân cây. Từ đó tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các đối tượng nấm bệnh, tuyến trùng xâm nhập và gia tăng mật độ làm cho cây cà phê bị vàng lá rụng trái.
mọt đục cành gây bệnh vàng lá
Sâu hại là một trong những nguyên nhân gây bệnh hại cho cây cà phê

Nguyên nhân bệnh hại

Bệnh khô cành, khô quả:

Nấm Collectotrichum coffeanum làm cho trái khô, trái vàng dần sau đó chuyển sang đen và rụng. Bệnh xuất hiện trên các cây thiếu dinh dưỡng, cây bón phân thiếu cân đối. Thời điểm xuất hiện thường vào đầu mùa mưa và phát triển nhất khi cây được khoảng 6 – 7 tháng tuổi.

Bệnh nấm hồng trên cà phê:

Nấm Corticium salmonicolor gây hại, trên quả hay cành cây xuất hiện những chấm nhỏ màu trắng giống bụi phấn. Chúng phát triển tạo thành một lớp phấn mỏng màu hồng. Vết bệnh sẽ chạy dọc theo cành, bọc hết chu vi cành, làm lá bị vàng, quả non rụng, cành chết khô.

Tổ hợp bệnh do các loại nấm gây hại rễ:

Trong đó Fusarium sp là chủ yếu. Bệnh làm cây sinh trưởng kém, lá vàng do thiếu dinh dưỡng. Kèm theo một số triệu chứng như: gốc bị long, nứt thân, rễ bị khuyết dần, cọc bị thối và đứt ngang, rễ bị thối đen từ lớp vỏ ngoài, bong tróc,..

Tuyến trùng hại rễ cà phê:

Ở cây cà phê chủ yếu là 2 nhóm: Tuyến trùng Pratylenchus, Aphelenchoides sp làm cây thối rễ tơ, rễ cọc. Vào mùa khô cây sẽ có chịu chứng vàng lá rõ nhất. Sau khi dứt mưa rễ cọc sẽ thối và đứt ngang. Tuyến trùng gây nốt sần (Meloidogyne spp) làm rễ u sưng trên các đoạn.

Lưu ý: Sử dụng đúng thuốc phòng trừ hợp lý. Nhiều nhà vườn có thói quen dùng phối hợp nhiều loài thuốc trong 1 lần phun. Như vậy, các loại thuốc sẽ phản ứng với nhau làm giảm tác dụng và tốn chi phí.

Xem thêm: Quản lý bệnh hại cà phê

nhiều bệnh hại gây rụng trái cà phê

Nguyên nhân do thối rễ

Một số cây cà phê do thiếu các chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng thối rễ. Từ đó xuất hiện bệnh vàng lá rụng trái cà phê rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, thối rễ cây cà phê còn có thể do tuyến trùng và nấm gây ra, khiến cây không hút được chất dinh dưỡng đầy đủ. Đặc biệt rễ cây bị thiếu chất đạm sẽ làm cây vàng trên toàn cây, trái non bị rụng nhiều. Nếu hệ thống rễ bị bệnh nặng thì cây sẽ sinh trưởng chậm, vàng lá rất nhanh, trường hợp xấu nhất cây sẽ bị chết.

Xem chi tiết: Bệnh thối rễ tơ cà phê – Cách phòng trừ tuyến trùng hại rễ

Tác hại của tuyến trùng - Dr.Xanh
Tuyến trùng xâm nhập tạo các nốt sần ở rễ

Nguyên nhân sinh lý

Bón phân không đầy đủ hoặc không kịp thời:

Khi bà con bón phân không đúng thời điểm, hoặc bón với lượng phân bón ít hơn so với nhu cầu của cây. Điều này làm cây cà phê sẽ thiếu dinh dưỡng, cằn cõi và dễ bị vàng lá. Trong trường hợp này cây sẽ kém phát triển, lá rụng nhiều, trái nhỏ và rụng ở các chùm trái gần gốc trước, đầu cành sau.

Bón phân không cân đối:

Khi bón phân hóa học NPK, nhà vườn thường bón nhiều đạm, ít kali. Qua đó dẫn đến tình trạng cây phát triển mạnh cành vượt, lá mỏng và già, vàng từ chóp lá trở xuống, phần rìa lá trở vào trong, vàng từ trong cành ra ngoài. Cây khi bị vàng lá, trái sẽ rụng hàng loạt khi gặp mưa lớn.

Nguyên nhân sau khi sử dụng phân hóa học

Đa số các cây cà phê bị thối rễ do tuyến trùng nấm gây ra thường cây sẽ bị hút chất dinh dưỡng khá nhiều. Mùa mưa là giai đoạn cây cà phê có nhu cầu dinh dưỡng nhiều nhất. Tuy nhiên, bà con thường có xu hướng bón phân với lượng khá cao. Mục đích là để tăng cường khả năng phát sinh cành thứ cấp dự trữ năng suất cho vụ sau, hạn chế rụng quả và tăng khối lượng hạt cà phê nhân.

Mặc khác do vườn cà phê đã bắt đầu bị vàng lá do thối rễ gây nên (mức độ nhẹ). Bộ rễ của cây cà phê đã bị tổn thương khi tiếp xúc với lượng phân hóa học cao. Do đó sẽ dẫn đến tình trạng rễ bị thối với tốc độ nhanh hơn, mức độ nặng hơn. Cây không hút được chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của cây, sau khi bón phân cây cà phê sẽ bị vàng lá rất nhanh và trái rụng rất nhiều.

cà phê vàng lá rụng trái sau khi bón phân
Cây tiếp xúc với lượng phân hóa học cao trong đất sẽ dẫn đến tình trạng rễ bị thối làm rụng trái

Nguyên nhân do cây già cằn cỗi

Cây cà phê đến giai đoạn già cỗi hoặc trồng tái canh từ 1 – 3 năm sẽ phát triển chậm lại. Cây có dấu hiệu như: Ít cành dinh dưỡng, chồi vượt, trái kém chất lượng, bộ rễ tơ phát triển kém, cây cằn cỗi,… Mặc dù bón phân đầy đủ trên loại cây này, nhưng lá vẫn rụng hàng loạt.

Cây cà phê già cằn cỗi
Cây cà phê già cằn cỗi dễ mắc bệnh vàng lá rụng trái

BIỂU HIỆN BỆNH VÀNG LÁ RỤNG TRÁI CÀ PHÊ

Rụng lá hàng loạt

Khi mới xuất hiện bệnh lá vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt. Phiến lá khi nhiễm bệnh lá chuyển sang màu vàng cam và dễ rụng. Mỗi khi có gió thổi, các lá cà phê dưới sẽ rụng trước. Sau đó đến các lá phía trên. Lá cây rụng hàng loạt dẫn đến trái kém chất lượng và rụng sớm.

Thối rễ, chết rễ cà phê

Cành cây bị rụng lá ở hướng nào rễ sẽ bị thối theo hướng đó. Rễ cây bị vàng lá sẽ thối rễ và lan rộng từ rễ nhỏ sang rễ lớn. Rễ bị thối có màu nâu, vỏ rễ trượt ra khỏi gỗ, bên trong có màu nâu kéo dài xuống phần rễ củ. Từ đó rễ cây sẽ mất khả năng hút chất dinh dưỡng để nuôi cây, từ đó cây sẽ chết. Bệnh vàng lá, rụng trái nặng toàn bộ rễ sẽ chuyển sang màu đen và chết cả cây.

bệnh hại nguy hiểm cho cây cà phê
Triệu chứng lá có màu vàng nhạt, phiến lá chuyển sang màu vàng cam và dễ rụng

Cây thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu đạm: Lá sẽ già từ phần giữa lá, sau đó đến toàn bộ lá. Các chồi non kém phát triển và cằn cỗi.

Thiếu Kali: Lá cây sẽ vàng trên mép lá, từ chóp lá sau đó khô héo dần và rụng sớm. Hiện tượng này thường xảy ra vào cuối mùa mưa, do nước mưa rửa trôi Kali khiến lá rụng hàng loạt. Ngoài ra, khi cây thiếu Kali trái cà phê sẽ nhỏ, bị rụng nhiều, tỷ lệ nhân trên quả thấp. Từ đó quả cà phê không năng suất và chất lượng kém.

Thiếu magiê: Xuất hiện nhiều gân đen trên lá, lan từ phần giữa ra ngoài mép. Những vệt vàng sọc ở vùng thịt lá sau đó lan ra toàn bộ lá.

Thiếu lưu huỳnh: Các chùm lá cây trên cây cà phê sẽ bị uốn cong và chuyển vàng ngay sau đó. Thân cây sầu riêng sẽ giòn và chết dần. Khi thừa lưu huỳnh, đất trồng sẽ bị chua, làm hòa tan các kim loại độc khiến rễ cây tổn thương. Lá sẽ chuyển vàng và rụng.

Thiếu kẽm: Cành cây phát triển chậm, còi cọc. Lá non trên cây vàng trong khi gây lá vẫn xanh.

Thiếu Bo: Lá cà phê sẽ cong queo, ngọn lá có màu xanh thẫm, ngả vàng hoặc chết dần ở các chồi non. Cành trên cây cà phê phát triển thành chùm như hình quạt. Lá biến dạng và cong mép, nhỏ hơn bình thường. Lá mỏng, cuống trái yếu. Lưu ý nếu cây thừa lượng Bo, lá cây sẽ xuất hiện các đốm đen và rụng dần.

Thiếu lân: Lá cà phê sẽ có biểu hiện bị xỉn màu, không sáng bóng. Chồi non kém phát triển dẫn đến cây ra ít trái, ít hoa.

Thiếu Canxi: Lá già bị vàng trắng, lá mỏng dễ rách, cành dễ gãy, vỏ vỏ trái bị nứt nhiều.

Thiếu Mangan: Lá trưởng thành màu vàng hơi nhạt, chuyển sang màu vàng chanh sáng có đốm trắng. Cây cà phê sẽ còi cọc kém phát triển. Khi cây thừa mangan, phiến lá chuyển vàng nhưng gân lá vẫn màu xanh. Nếu bị nặng thì lá hình mác, nhỏ, lóng rút ngắn, chồi ngọn thường chết.

Biểu hiện bệnh khi cây bị ve sầu tấn công

Các cây cà phê bị ve sầu tấn công, cây sẽ cằn cọc, lá úa vàng, lá và chồi non ít đi. Cây bị vàng lá nặng sẽ rụng lá và rụng trái xanh, làm thiệt hại năng suất cây trồng.

Nhìn chung, cây sau khi tái canh được 2 – 3 năm, vào những đợt gió mùa ấu trùng ve sầu sẽ tấn công. Những vườn cây không có khả năng chắn gió hoặc cây che bóng tạm thời sẽ xuất hiện nhiều bệnh vàng lá và cây dễ bị nghiêng và gãy.

Đầu mùa khô thời điểm vừa dứt mưa và chưa được tưới nước. Khoảng thời gian này là lúc cây cà phê sẽ biểu hiện rõ nhất bệnh vàng lá rụng trái do ve sầu.

ve sầu làm lá cà phê vàng lá rụng trái
Ve sầu tấn công làm vàng lá rụng trái cà phê

BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ ĐẶC TRỊ BỆNH LÁ VÀNG RỤNG TRÁI 

Biện pháp trị bệnh vàng lá rụng trái cà phê

  • Nắm vững những đặc điểm cây cà phê để bổ sung chất dinh dưỡng cho phù hợp khi cây thiếu.
  • Bổ sung chất canxi cho cây khi thấy xuất hiện hiện tượng rụng trái non hay nứt vỏ trái non.
  • Trị rệp sáp bằng các biện pháp hóa học: Ưu tiên sử dụng các chế phẩm hữu cơ không độc hại như các loại dầu khoáng phun khi trời dâm mát. Trường hợp mật độ rệp sáp tiếp tục gia tăng mạnh có thể sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Methidathion.
  • Diệt mọt đục quả: Để tiêu diệt hiệu quả mọt đục quả bà con nên dùng các hoạt chất Carbosulfan.
  • Tiêu diệt ve sầu: Khi phát hiện có ấu trùng xuất hiện với mật độ thấp từ 40 – 80 con/gốc. Trường hợp này bà con tiến hành xử lý bằng các loại thuốc ít độc. Có thể dùng các loại dầu khoáng liều lượng 40ml/gốc (4 – 5lít/ha), hoà nước tưới gốc: 3 – 5 lít nước thuốc/gốc.
  • Đặc trị tuyến trùng: Hạn chế xới xáo, làm bồn trong những vườn cây đã bị bệnh để tránh lây lan qua việc làm tổn thương bộ rễ. Không tưới tràn từ vườn có tuyến trùng sang vườn không có tuyến trùng. Trên các vườn bị bệnh sử dụng hoạt chất: Benfuracarb, Ethoprophos, Cytokinin, Paecilomyces.

Biện pháp phòng ngừa bệnh vàng lá rụng trái cà phê

Biện pháp giống

Ngay từ đầu nên chuẩn bị đất sạch để ươm cây trước khi đóng bầu phải xử lý đất trước khi trồng để đảm bảo giống khỏe. Nên sử dụng các giống cà phê được ươm từ hạt hay ghép bằng giống mới được công nhận giống sạch bệnh.

Cây giống phải phát triển đồng đều, đủ tiêu chuẩn khi trồng tái canh. Qua quá trình kiểm tra giống tốt cây sẽ sinh trưởng tốt và ít nhiễm bệnh vàng lá rụng trái.

Biện pháp sinh học

Biện pháp sinh học phòng trừ tuyến trùng còn ít nhà vườn áp dụng. Bà con có thể nhận nuôi các vi sinh vật có lợi để sử dụng với đất trồng trên vườn. Ngoài ra có thể bảo vệ và duy trì các loại kẻ thù tự nhiên sẵn có trong vườn.

Biện pháp canh tác

  • Quan tâm công tác cải tạo đất, luân canh ít nhất 2 năm sau mỗi vụ bằng các loại cây họ đậu, cây muồng.
  • Đào hố rộng và xử lý trước khi trồng ít nhất 1 tháng để phòng trừ nấm bệnh và tuyến trùng.
  • Kết hợp các loại thuốc hóa học hay sinh học khi phân tích các mẫu đất có tuyến trùng trong đất.
  • Có chế độ bón phân bón lá và phân hóa học phù hợp với từng loại đất.
  • Không xới xáo, cày bừa trong mùa mưa, tránh rửa trôi chất dinh dưỡng.
  • Cần cày xới đất định kỳ 2 – 3 lần khi mùa khô, để diệt triệt để trứng và ấu trùng của tuyến trùng.
  • Bổ sung chất hữu cơ cho đất để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tốt. Đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi cho các loài nấm đối kháng trong đất chống lại nấm và tuyến trùng. Nhà vườn có thể đào hố rộng rồi bón lót 10 – 20kg phân hữu cơ/1 hố.
  • Làm lô trồng, trồng các loại cây chắn gió, tỉa cành tạo tán lá hợp lý, giảm thiểu tối đa tình trạng rụng lá.
  • Bón đầy đủ phân vi lượng và đa lượng theo từng chu kỳ sinh trưởng của cây.
  • Thường xuyên cắt tỉa các cành khô, cằn cỗi, chồi vượt, cành tăm bị sâu hại. Từ đó giúp vườn thông thoáng, tăng sức chịu sâu bệnh, hạn chế sự lây lan của dịch hại gây bệnh.
  • Nhổ bỏ các cây cà phê bị vàng rụng lá, nặng hơn có thể xử lý đất để trồng lại.

Giải pháp độc quyền từ Dr.Xanh

biện pháp kiểm dịch bệnh vàng lá rụng trái
Áp dụng biện pháp phòng trị bệnh vàng lá rụng trái hiệu quả cho cây cà phê

KẾT LUẬN

Bệnh vàng lá rụng trái cà phê là loại bệnh hại rất nghiêm trọng. Hy vọng bài viết này đã mang lại thông tin hữu ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, bà con hãy để lại bình luận hoặc liên hệ để Dr.Xanh tư vấn ngay nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *