Bệnh rỉ sắt trên cây cà phê là một trong những vấn đề thường gặp khi bà con canh tác cà phê. Bệnh xuất phát từ chi nấm Hemileia sp., gây rụng lá hàng loạt, khô cành, cây xơ xác và yếu dần đi. Nếu không có biện pháp phòng trị, bệnh rỉ sắt cà phê có thể ảnh hưởng nặng đến năng suất và chất lượng mùa vụ. Hãy cùng Dr.Xanh tìm hiểu về bệnh gỉ sắt trên cây cà phê và cách phòng trị hiệu quả nhé!
THÔNG TIN CHUNG CỦA BỆNH RỈ SẮT TRÊN CÂY CÀ PHÊ
Tên thường gọi | Bệnh rỉ sắt, bệnh gỉ sắt, bệnh rỉ sét, bệnh ghẻ nhám |
Tên khoa học | Hemileia vastatrix |
Lớp | Pucciniomycetes |
Bộ | Pucciniales |
Họ | Zaghouaniaceae |
Gây hại trên cây trồng | Cây cà phê, chè,… |
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH RỈ SẮT CÀ PHÊ
Nấm Hemileia Vastatrix là tác nhân chính gây bệnh rỉ sắt
Bệnh rỉ sắt trên cây cà phê được ra bởi chi nấm Hemileia sp, cụ thể là nấm Hemileia Vastatrix. Đây là dòng nấm có hơn 45 loài riêng biệt, xuất hiện nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Á, châu Phi. Chúng ký sinh vào cây cà phê để lấy chất dinh dưỡng. Hầu hết các loại cà phê thuộc giống Coffea arabica đều bị ảnh hưởng bởi nấm Hemileia Vastatrix. Ngoại trừ các giống có sức đề kháng cao như Coffea canephora (Rubusta).
Nấm H. Vastatrix là loài sinh sản vô tính. Hàng ngàn bào tử nấm rất nhỏ có thể di chuyển nhờ hướng gió và nước mưa, nước tưới cho cây hay các loài côn trùng trong vườn. Vào mùa khô, các các tế bào nấm gây hại sẽ ẩn nấp trên lá. Đến mùa mưa, các tế bào này sẽ phát triển mạnh và lây lan.
Điều kiện phát sinh bệnh gỉ sắt cà phê
- Khí hậu và môi trường: Độ ẩm cao từ mưa, sương, nước tưới rất thuận lợi để nấm sinh trưởng. Do đó, mùa mưa thường là thời điểm bùng phát bệnh rỉ sắt. Thực tế cho thấy, Vùng Tây Nguyên là khu vực mà bệnh gỉ sắt thường phát triển mạnh trong mùa mưa. Trong khi các tỉnh phía Bắc thường chứng kiến sự gia tăng của bệnh trong các tháng mát mẻ của mùa thu và từ giữa đến cuối xuân.
- Nhiệt độ: Mức nhiệt độ lý tưởng cho nấm rỉ sắt sinh sôi là từ 21 – 25 độ C (Nutman et al. 1963). Ngoài ra, nấm sẽ sinh trưởng kém trong khoảng nhiệt độ ấm (hơn 35 độ C), và không thể nảy mầm ở nhiệt độ quá lạnh (dưới 15 độ C).
- Ánh sáng: Lá sẽ dễ bị nhiễm bệnh khi không được tiếp xúc với ánh sáng. Đặc biệt là ở mặt dưới của lá, nơi không hứng được ánh sáng. Vì ánh sáng có thể ngăn chặn và làm giảm tốc độ phát triển của nấm bệnh.
BIỂU HIỆN CỦA BỆNH RỈ SẮT TRÊN CÂY CÀ PHÊ
Bệnh rỉ sắt gây tổn hại chủ yếu trên lá cây cà phê:
- Ban đầu: Bệnh biểu hiện dưới dạng một chấm nhỏ có hình dạng bầu dục ở mặt dưới của lá. Những chấm nhỏ này dần chuyển thành màu vàng và phủ một lớp bụi mỏng màu cam. Đấy là dấu hiệu của các bào tử nấm đang trưởng thành.
- Sau đó: Các vết bệnh này sẽ ngày càng phát triển lớn hơn. Chúng có thể đạt đường kính lên đến 1 cm và liên kết dần với nhau, tạo thành từng mảng lớn. Lá nhiễm bệnh nặng sẽ chuyển sang màu vàng khô và rụng hàng loạt. Điều này khiến cây sinh trưởng yếu và cho năng suất kém.
HẬU QUẢ CỦA BỆNH RỈ SẮT CÀ PHÊ
Gây tổn thương các bộ phận cây
Lá cây nhiễm bệnh rỉ sắt dần bị phủ bởi lớp nấm, biến vàng và rụng dần. Đọt non và cành khô héo, ngọn dễ chết. Bệnh còn có thể xâm nhập vào quả cà phê, làm giảm năng suất và gây biến chất hạt.
Giảm sức đề kháng của cây, tăng nguy cơ chết cây
Nấm rỉ sắt khiến cây mất lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hô hấp, quang hợp và hấp thụ ánh nắng mặt trời. Cây suy giảm diện tích lá, sẽ giảm khả năng trao đổi chất, từ đó khó mà sinh trưởng và phát triển bình thường.
Sức khỏe cây suy yếu cũng là một trong những lý do chính khiến cây trở nên nhạy cảm hơn đối với các bệnh hại và sâu bọ khác. Cây không có sức đề kháng tốt sẽ dễ bị tấn công bởi sâu bệnh, côn trùng gây hại. Vì đó mà gia tăng nguy cơ mất mát cây cà phê.
Gây thiệt hại về kinh tế cho nhà vườn
Cây mang bệnh rỉ sắt sẽ không thể cho năng suất và chất lượng hạt như mong đợi. Như đã đề cập, bệnh rỉ sắt có thể tấn công trái và hạt cà phê, làm giảm sản lượng và giá trị thương mại của sản phẩm cuối cùng. Cùng với đó, nấm rỉ sắt “mở đường” cho sâu bệnh khác tấn công cây, khiến nhà vườn gặp tổn thất trong quá trình canh tác và phòng trị sâu bệnh.
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH GỈ SẮT CÀ PHÊ
Cách phòng ngừa bệnh rỉ sắt trên cây cà phê
- Cải thiện chất lượng đất và cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho vườn cà phê.
- Đảm bảo cân đối độ pH của đất để cây cà phê phát triển tốt nhất.
- Sử dụng phân bón và vi lượng phù hợp và cân đối, tránh bón thừa đạm cho cà phê.
- Kiểm soát độ ẩm trong môi trường trồng cây, tưới nước hợp lý nhưng tránh ẩm kéo dài.
- Cắt tỉa cành thường xuyên tạo điều kiện cho vườn thông thoáng và phát triển tốt.
- Tạo rãnh thoát nước và độ thông thoáng cho vườn cà phê, đặc biệt vào mùa mưa.
- Thực hiện kiểm tra đều đặn trong vườn khi mùa mưa đến, nhằm phát hiện và xử lý bệnh tật kịp thời, nhằm giảm thiệt hại và giảm chi phí phòng trừ.
- Phun thuốc hóa học và thuốc sinh học phòng bệnh vào đầu mùa mưa. Thực hiện phun lặp lại đều đặn để phòng bệnh tốt.
- Sử dụng giống cây cà phê có khả năng kháng bệnh gỉ sắt. Chẳng hạn như: TR4, TR5, TR9, TRS1 đối với cà phê vối và TN1, TN2, TN3, TN10 đối với cà phê chè.
Cách trị bệnh rỉ sắt trên cây cà phê
- Loại bỏ cây cà phê bị nhiễm bệnh nặng để hạn chế lây lan sang cây khỏe.
- Phun các hoạt chất hóa học như: Diniconazole, Hexaconazole, Propiconazole, Carbendazin, Triadimefon, Trichoderma, Difenoconazole + Propiconazole để tăng cường và duy trì sự phát triển của cây. Quan trọng nhất là bà con phải chú ý và tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng.
- Phun thuốc 2 – 3 lần cách nhau 7 – 10 ngày khi bệnh chưa phát triển ra ngoài như những đốm vàng trên lá để có thể điều trị một cách sớm nhất.
Rỉ sắt cà phê là loại bệnh gây hại nặng đến phần lá của cây khiến cây suy kiệt, ảnh hưởng đến năng suấtbà con. Qua bài viết này, Dr.Xanh mong rằng có thể cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh rỉ sắt đến bà con. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bà con có thể để lại bình luận hoặc liên hệ với Dr.Xanh để được tư vấn ngay nhé!
- Địa chỉ: B19 Quốc Lộ 1A, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, Tp. Cần Thơ.
- Email: drxanh.com@gmail.com
- Fanpage: Dr.Xanh – Bệnh Viện Cây Trồng
- Điện thoại: 0907.083.094