Bệnh cháy lá chết ngọn sầu riêng (hay còn gọi là bệnh cháy lá chết đọt sầu riêng) là một trong những bệnh hại tấn công trên thân non của cây, khiến cho phần ngọn phía trên khô chết. Đặc biệt, nó phát triển nhanh chóng trên cây lớn trong mùa mưa và trên những cành có nhiều lá.
Để đối mặt với vấn đề này, mời bà con cùng Dr.Xanh tìm hiểu các thông tin về bệnh cháy lá chết ngọn sầu riêng và cách phòng trừ hiệu quả qua bài viết sau.
THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH CHÁY LÁ CHẾT NGỌN SẦU RIÊNG
Tên bệnh | Bệnh cháy lá chết ngọn |
Tác nhân | Nấm Rhizoctonia Solani |
Lớp | Agaricomycetes |
Bộ | Cantharellales |
Họ | Ceratobasidiaceae |
Đối tượng gây hại | Sầu riêng |
NGUYÊN NHÂN CHÁY LÁ CHẾT NGỌN SẦU RIÊNG
- Nấm Rhizoctonia sp là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh cháy lá chết ngọn trên cây sầu riêng.
- Nấm phát triển và tạo ra nhiều hạch nấm trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng là 28 độ C. Sự phát triển của nấm giảm đi ở nhiệt độ 35 độ C và hoàn toàn dừng lại ở 100 độ C.
- Dưới điều kiện ẩm ướt, sợi nấm và hạch nấm xuất hiện trên bề mặt vết bệnh và chúng có khả năng nhanh chóng lan ra các lá lân cận.
- Vườn ít chăm sóc, mật độ dày, bón phân không cân đối (cụ thể là thừa đạm và thiếu phân trung vi lượng) cũng tạo điều kiện để bệnh hoành hành.
- Kỹ thuật canh tác vườn sầu riêng kém, cắt tỉa cành không hiệu quả, không loại bỏ cành bệnh. Đồng thời, tán cây rậm rạp khó vươn lên đón nắng cũng dễ hình thành bệnh hơn.
BIỂU HIỆN GÂY HẠI CỦA BỆNH CHÁY LÁ CHẾT NGỌN TRÊN CÂY SẦU RIÊNG
Trên lá: Ban đầu, bệnh xuất hiện dưới dạng những đốm nâu sũng nước, mở rộng theo chiều dọc của lá và làm cho lá không phát triển, co dúm dẫn đến khô rụng. Vết bệnh cò thể xuất phát từ chóp lá và rìa lá. Bà con có thể dễ dàng quan sát các sợi nấm màu vàng nhạt xuất hiện trên mô bệnh và lan dần.
Trên cành non: Lá bệnh có thể gặp hiện tượng dính lại với nhau do sự phát triển của tơ nấm kết dính. Sau đó chúng cũng dần khô và chết.
Trên cây non: Cây bị nhiễm bệnh thường dẫn đến sự cháy và rụng ngọn, sau đó ngọn cây khô và chết.
Trên cây trưởng thành: Bệnh làm cho lá non khô và rụng, gây chết ngọn, cũng như làm khô cành và nhánh nhỏ, tác động nghiêm trọng đến năng suất cây sầu riêng. Ở cây lớn bệnh thường xảy ra trong mùa mưa và ở những cành có nhiều lá.
HẬU QUẢ CỦA BỆNH CHÁY LÁ CHẾT NGỌN TRÊN CÂY SẦU RIÊNG
Bệnh khiến cây sầu riêng khô lá và chết ngọn. Trong trường hợp nặng, cây nhỏ có thể mất hết lá, mất diện tích lá xanh. Từ đó, cây không thể thực hiện quá trình quang hợp. Những đọt non bị nấm gây thối đen, làm giảm khả năng sinh trưởng và phát triển của cây.
Sự xuất hiện của bệnh cháy lá chết ngọn ở cây sầu riêng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cây trồng. Đồng thời tác động tiêu cực đến năng suất trái sầu riêng. Từ đó làm suy giảm giá trị thương mại của quả, khiến bà con chịu nhiều thiệt hại về tài chính.
Mất mát lớn về sản lượng đồng nghĩa với giảm thu nhập đáng kể cho họ. Hơn nữa, chi phí phòng trừ và điều trị bệnh cũng là một gánh nặng tài chính đáng kể đối với bà con.
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ BỆNH CHÁY LÁ CHẾT NGỌN SẦU RIÊNG
Cách phòng ngừa sầu riêng bị cháy lá chết ngọn
- Chọn loại đất phù hợp với cây sầu riêng, độ pH đất khoảng 5.5 – 6.5. Tầng canh tác sâu, không có quá nhiều sét, không bị ngập úng và đảm bảo nguồn nước tưới đủ trong mùa khô.
- Mua cây giống từ nguồn đáng tin cậy. Lựa chọn giống khỏe mạnh, không nhiễm mầm bệnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại.
- Thiết kế lô, liếp trồng phù hợp với điều kiện địa hình và độ cao của vùng trồng. Đối với vùng đất thấp, nên đào mương lên liếp để tăng độ dày tầng canh tác, chứa nước để tưới cây, thoát nước và cung cấp nước cho vườn khi cần thiết. Đối với vùng đất cao, lên mô thấp, đường kính mô từ 70 – 80cm, cao 30 – 40 cm.
- Cắt tỉa các cành của cây con gần mặt đất đầu mùa mưa để tạo điều kiện ánh sáng và thông thoáng.
- Bón vôi định kỳ để nâng cao pH đất và ức chế vi sinh vật gây hại.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và Kali. Tránh bón quá nhiều phân đạm. Ngừng sử dụng phân đạm khi phát hiện bệnh chớm xuất hiện trong vườn.
- Kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và phân chuồng đã ủ hoại với nấm đối kháng Trichoderma.
- Không nên bón vôi và phân hữu cơ cùng lúc, tránh giảm lượng vi sinh vật có lợi trong phân.
- Phun thuốc ngừa có các hoạt chất như: Mancozeb, Metalaxyl hoặc các loại thuốc gốc đồng khác.
- Theo dõi vườn thường xuyên, đặc biệt trong những thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển.
Cách phòng trị bệnh cháy lá chết ngọn sầu riêng
Trong trường hợp vườn đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng cháy lá, bà con cần áp dụng phun thuốc đặc trị dạng thấm sâu có hoạt chất: Azoxystrobin, Difenoconazole,…
Ngoài ra, để phòng trừ côn trùng chích hút như rầy xanh, rầy phấn, bọ trĩ mỗi khi cây ra đọt non, bà con nên sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất như: Buprofezin, Emamectin Benzoate,…
Bà con có thể tưới nước hoặc phun thuốc lên cây, tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn.
Bệnh cháy lá chết ngọn trên sầu riêng là bệnh hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Hy vọng rằng bài viết dưới đây đã mang đến những kiến thức giúp ích cho bà con nông dân trong việc ngăn chặn và kiểm soát bệnh. Nếu bà con còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Dr.Xanh để được tư vấn thêm nhé!
- Địa chỉ: B19 Quốc Lộ 1A, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, Tp. Cần Thơ.
- Email: drxanh.com@gmail.com
- Fanpage: Dr.Xanh – Bệnh Viện Cây Trồng
- Hotline: 0907.083.094